Câu 18: Những cơ hội và thách thức đối với VN khi tham gia vào WTO. Cho ví dụ minh họa.

Tham gia vào tổ chức thương mại thế giới, nước ta đứng trước những cơ hội lớn như sau:
Một là: Việt Nam sẽ được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN) một cách vô điều kiện của 149 nước thành viên còn lại của WTO, thuế quan sẽ rất thấp cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy sự thâm nhập thị trường thế giới của hàng xuất khẩu Việt Nam. Hiện tại thương mại giữa các nước thành viên chiếm 90% thương mại toàn thế giới.
Hai là: Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại với các cường quốc thương mại chính, cải thiện vị trí của mình trong các cuộc đàm phán thương mại, có điều kiện tiếp cận các quy tắc công bằng và hiệu quả hơn cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại.
Ba là: Việc bãi bỏ hiệp định đa sợi (MFA) sẽ tạo điều kiện cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới. Đồng thời các hạn chế về số lượng đối với gạo và các nông sản khác sẽ phải chuyển thành thuế và thuế sẽ phải được cắt giảm theo Hiệp định về nông nghiệp của WTO. Việt Nam sẽ có lợi nhiều khi thị trường gạo mở cửa, nhất là thị trường Nhật và Hàn Quốc.
Bốn là: Việt Nam sẽ được một số ưu đãi đặc biệt nhờ những nguyên tắc ưu đãi của WTO đối với các thành viên là nước đang phát triển có thu nhập thấp. Theo WTO, những nước thành viên có thu nhập thấp dưới 1000 USD/người vẫn thực hiện trợ cấp xuất khẩu. Nhưng nếu đối với hàng hoá cạnh tranh, cơ chế này chỉ được thực hiện trong 8 năm.
Năm là: Việt Nam sẽ có lợi ích gián tiếp nhờ phải thực hiện các yêu cầu của WTO về cải cách hệ thống ngoại thương, sự minh bạch của chính sách thương mại và các bộ luật của Việt Nam sẽ ngày càng được hoàn thiện phù hợp với hệ thống thương mại quốc tế.
Sáu là: Việt Nam sẽ được lợi nhờ quy định của  WTO về việc xuất khẩu các hàng hoá sơ chế từ các nước đang  phát triển vào các nước phát triển không phải chịu thuế hoặc thuế thấp (Hiệp định Uruguay), mà Việt Nam là một nước xuất khẩu nhiều hàng sơ chế. Đồng thời các quốc gia đang phát triển đã tham gia hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Mỹ, hệ thống ưu đãi của khu vực EU sẽ không nhận được ưu đãi về thuế MFN của Vòng Uruguay. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ được lợi nhờ sự loại bỏ những ưu đãi trên.
Bên cạnh đó Việt Nam đồng thời phải đối mặt với những thách thức sau:
Thứ nhất, việc giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản và công nghiệp nhập khẩu, tạo điều kiện cho hàng hoá của các nước thành viên WTO thâm nhập thị trường Việt Nam, dẫn đến cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên bình diện rộng hơn, sâu hơn. Đây là sự cạnh tranh giữa sản phẩm của ta với sản phẩm của các nước, giữa doanh nghiệp nước ta với doanh nghiệp các nước, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường nước ta.
Thứ hai, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, thông tin, tư vấn,…cho các nhà kinh doanh nước ngoài. Khiến cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt giữa các nhà kinh doanh trong nước với các nhà kinh doanh nước ngoài trước nguy cơ phá sản và thất nghiệp gia tăng do năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Thứ ba, Việt Nam sẽ phải cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ bằng các thủ tục pháp lý trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, Việt Nam phải trả tiền bản quyền cho các sản phẩm trí tuệ này khi muốn sử dụng chúng, chứ không sử dụng chúng một cách tuỳ tiện như trước đây.
Thứ tư, Việt Nam phải sửa đổi các quy định đầu tư, cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc gia và giảm hay loại bỏ các hạn chế về đầu tư nước ngoài. Điều này làm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước.
Thứ năm, Việt Nam phải tiếp tục cải cách kinh tế phù hợp vơí yêu cầu của WTO
 Thứ sáu, Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền.
        Thứ bảy, Trên thế giới sự “phân phối” lợi ích của toàn cầu là không đồng đều. Những nước có nền kinh tế phát triển thấp hơn được hưởng lợi ít hơn. Ở mỗi quốc gia, sự phân phối lợi ích cũng không đồng đều. Một bộ phận dân cư được hưởng lợi ít hơn, thậm chí còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hoá, nguy cơ phá sản một bộ phận doanh nghiệp và nguy cơ thất nghiệp sẽ tăng lên, phân hóa giầu nghèo sẽ mạnh hơn.

0 Response to "Câu 18: Những cơ hội và thách thức đối với VN khi tham gia vào WTO. Cho ví dụ minh họa."

Đăng nhận xét

powered by Blogger | WordPress by Newwpthemes | Converted by BloggerTheme